Site icon HL88

Phía sau những khoảnh khắc riêng tư của Radiohead

Phía sau những khoảnh khắc riêng tư của Radiohead - Ảnh 1.

Kể từ năm 2003, tay bass Colin Greenwood đã mang máy ảnh của mình đến phòng thu và lên sân khấu để ghi lại những khoảnh khắc âm nhạc cùng các thành viên ban nhạc Radiohead.

Và giờ đây, Greenwood đã tập hợp các bức ảnh, tạo nên một cuốn sách mới tuyệt đẹp, đầy thân mật, tinh tế về một trong những nhóm nhạc được yêu thích nhất nước Anh với cái tên How to Disappear.

Bản ghi chép bằng hình ảnh

Câu chuyện về một trong những nhóm nhạc lớn nhất nước Anh trong 30 năm qua không bắt đầu từ những phòng tập ồn ào hay những huyền thoại mờ ảo thường vây quanh nhạc rock ‘n’ roll.

Nó bắt đầu với 5 người bạn học, trong những hội trường lộng gió ở vùng nông thôn Oxfordshire nước Anh. Ở đây, mỗi thành viên phải trả 1,5 bảng Anh cho người giữ chìa khóa, di chuyển các tấm thảm cao su và ghế gỗ dán để có thể đặt thiết bị nhạc của họ. Nhưng chỉ hơn 1 thập kỷ sau, họ đã trở thành nghệ sĩ chính của các lễ hội âm nhạc đình đám nhất.

Câu chuyện ngọt ngào về sự trỗi dậy của Radiohead được ghi lại trong How to Disappear – cuốn sách mới của Colin Greenwood. Greenwood là anh trai của tay chơi guitar Jonny và là bạn lâu năm của các thành viên còn lại ở Radiohead, gồm giọng ca Thom Yorke, tay chơi guitar Ed O’Brien và tay trống Phil Selway.

­ Trên danh nghĩa là một bản ghi chép bằng hình ảnh về cuộc sống âm nhạc của họ sau năm 2003 – khi Greenwood bắt đầu mang máy ảnh theo mình vào phòng thu và trên sân khấu – sách cũng bao gồm 10.000 từ được viết rất hay về những trải nghiệm mà họ cùng chia sẻ.

“Góc nhìn này là của riêng tôi” – Greenwood viết về những bức ảnh của mình – “Tôi đã dành gần như toàn bộ đời làm việc của mình trên sân khấu hoặc ẩn mình trong phòng thu âm, nơi tôi cố gắng ghi lại hình ảnh bạn bè bằng chiếc máy ảnh Yashica T4 Super của mình, như cách đĩa than của chúng tôi ghi lại âm thanh”.

Greenwood cho biết thêm: Sách cũng mang dấu ấn về những khoảng thời gian dài mà các thành viên Radiohead phải xa nhau, và anh đã suy ngẫm kĩ về điều đó.

“Khi đoàn tụ, chúng tôi giống như đang đắm chìm vào mùa mới nhất của một chuỗi nhạc đã phát hành lâu năm. Mọi thứ về cơ bản vẫn như vậy nhưng tất cả chúng tôi đều già đi một chút” – anh nói – “Được đoàn tụ như vậy vừa gây nghiện vừa là sự an ủi thông qua âm nhạc”.

Là một người có tâm hồn nhẹ nhàng, hào phóng, Greenwood rất xúc động khi những chia sẻ và ảnh chụp của anh được khen ngợi. Anh cũng ghi nhận công lao của hai “người bạn cũ” đã giúp anh thực hiện sách: biên tập viên Nicholas Pearson, người đã khuyến khích anh cầm bút viết, và Charlotte Cotton, 1 trong 3 người chơi saxophone của Radiohead hồi họ mới thành lập vào giữa những năm 1980, sau này trở thành giám tuyển nhiếp ảnh tại Bảo tàng Victoria và Albert.

“Charlotte Cotton là người nuôi dưỡng và định hướng sở thích nhiếp ảnh của tôi vào đầu những năm 1990” – Greenwood giải thích. Nhưng anh chỉ bắt đầu thực hành nhiếp ảnh 1 thập kỷ sau đó. Như lời kể, khi vật lộn để tìm ra cách “đóng khung” những bức ảnh này bằng lời văn của mình, anh ấy đã hỏi Nick Cave – một người viết sách lão luyện – để xin lời khuyên. “Và cậu ấy nói: Những bức ảnh này bắt đầu từ đâu? Anh có thể viết về cảm giác khi đó, chứ không phải khi anh đang ở đỉnh cao của thành công.Vì vậy, tôi bắt đầu từ đó và mọi thứ khác cứ thế theo sau”.

Những năm 1990 giống như một cơn lốc với Radiohead. Ký được hợp đồng với EMI sau chỉ một vài buổi biểu diễn, đĩa đơn đầu tay của họ, Creep năm 1992, theo lời Greenwood, là một “thành công trong cơn hảo ngọt”. Album thứ hai của Radiohead, The Bends, ra mắt vào đầu năm 1995. Đầy những ca khúc đẹp lạ lùng về lá phổi sắt, người cao su và bầu trời sụp đổ, album có rất ít điểm chung với sự ồn ào của dòng Britpop thịnh hành và phải mất một thời gian để cất cánh.

“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều nhạc sĩ từng nhận The Bends như một bản quảng cáo, rồi để nó phủ bụi trên nóc máy tính của họ và không thèm phát nó cho đến khi những lời khen truyền miệng thúc đẩy họ” – Greenwood viết.

Bốn đĩa đơn có MV mạnh mẽ đã giúp Radiohead leo lên các BXH. Trong đó, đĩa đơn cuối cùng của họ từ The Bends, Street Spirit (Fade Out), đã đạt tới No.5. Việc và âm nhạc của họ được sử dụng trong phim Romeo + Juliet của Baz Luhrmann, cũng giúp ích nhóm nhạc. “Khi chúng tôi phát hành OK Computer vào tháng 5/1997, không ai muốn lại làm ngơ với chúng tôi một lần nữa” – Greenwood viết.

OK Computer đã đạt 5 chứng chỉ bạch kim tại Anh và 2 chứng chỉ bạch kim tại Mỹ, cho phép Radiohead mua và chuyển đổi một nhà kho bên bờ sông Thames và các tòa nhà phụ thành một phòng thu.

Ngôi nhà thứ 2 này xuất hiện trong những bức ảnh đầu tiên của cuốn sách. Độc giả sẽ thấy một tấm bảng đen trong phòng thu có tên các ca khúc tiềm năng từ Hail to the Thief năm 2003 và một bức ảnh chụp nghệ sĩ Stanley Donwood đang vẽ bìa album đầy màu sắc ở đó.

Chân thực và giàu tình cảm

Về cơ bản, cuốn sách How to Disappear có phong cách mộc mạc, không cố làm duyên làm dáng. Ở đó có ảnh Thom đang viết lời ca khúc, Ed rã rời sau một đêm trên xe buýt lưu diễn hay ảnh cả nhóm lang thang trên bãi cát sỏi ven biển. Có rất nhiều bức ảnh chụp Jonny – người có vẻ chưa bao giờ bận tâm đến sự can thiệp của anh trai mình. Những hình ảnh đều rất bình thường: Jonny đẩy xe hành lý qua một sân bay im lặng của Mỹ, trông tinh nghịch ở bàn pha chế, chơi đàn trong bồn tắm để tạo ra âm thanh thú vị.

“Chúng tôi không phải là cặp anh em hay xung đột” – Colin Greenwood cười khi phóng viên nhắc đến em trai mình – “Tôi thích làm việc với Jonny, và tôi thích được đứng trên sân khấu với cậu ấy, xem cậu ấy chơi nhạc say mê”.

Chịu ảnh hưởng từ các nhiếp ảnh gia như Gaylord Oscar Herron và Tim Barber, cuốn sách theo lời anh có “những khoảnh khắc nhỏ vui vẻ, ảnh bạn bè, những chuyến đi đường được ghi lại bằng máy ảnh chụp phim 35mm”. Phần lớn cuốn sách có nội dung hấp dẫn, mang tính đời thường, nhưng vẫn có những gợi mở về chiều sâu.

Ở đó, thật khó để bỏ qua vẻ tráng lệ đã phai mờ của trang viên thế kỷ 16, thuộc điền trang Marlborough của Jane Seymour – không gian mà Radiohead thu âm album In Rainbows năm 2007. Hoặc, đó là những cảnh tuyệt đẹp khi Thom hát Spectre – ca khúc được đặt hàng cho phim Bond năm 2015 nhưng sau đó bị từ chối – trong một phòng ở Air Studios, trước một dàn nhạc.

Cuốn sách kết thúc bằng những ảnh từ các buổi biểu diễn lớn ở Mỹ, Canada và Ireland sau album cuối cùng của họ, A Moon Shaped Pool năm 2016. Greenwood chụp ảnh trên sân khấu khi không cần chơi bass, và cũng viết về cuộc sống lưu diễn, thưởng thức nhạc, bia, sách và cờ vua với đội nhạc công, và trà và bánh mì nướng khi anh ngồi và nhìn chằm chằm vào “những sa mạc và thảo nguyên bất tận, cảm thấy sức hút tuyệt vời cho đến khi những tòa nhà chọc trời lấp lánh xuất hiện ở đường chân trời, nơi dừng chân tiếp theo của chúng tôi”.

Radiohead lưu diễn cùng nhau lần cuối vào năm 2018. Thom và Jonny đã thực hiện 2 album với tư cách là thành viên nhóm The Smile, cùng với tay trống Tom Skinner của nhóm Sons of Kemet; O’Brien và Selway có các dự án solo; Colin hiện đang bận rộn với nhóm Bad Seeds.

Greenwood cũng nói một cách xúc động về album đầu tay Earth năm 2020 của Ed và buổi biểu diễn “tuyệt vời” của Phil với Adrian Utley của Portishead cách đây vài năm. Anh nói rằng: “Mọi người đều rất ủng hộ các dự án của nhau”. Đúng là đỉnh cao của tình bạn lâu dài!

Sách cũng khiến anh suy ngẫm về những hạnh phúc khi được ở trong một ban nhạc trong suốt thời gian qua – sẽ là tròn 40 năm vào năm 2025 – khi có cơ hội chơi cùng họ và niềm vui khi ghi lại bất ngờ khoảnh khắc họ sắp biểu diễn hoặc thu âm. Những bức ảnh của anh – tinh tế, ấm áp, kín đáo – mang tới cảm giác ủng hộ bạn bè.

Khi được hỏi điều gì đã khiến anh chụp ảnh trong suốt những năm qua, Greenwood suy nghĩ một lúc rồi đưa ra giả thuyết: “Có lẽ chụp ảnh là một cách để ăn mừng và ghi nhớ những khoảnh khắc đoàn tụ thế này – những khoảnh khắc được chia sẻ với tất cả mọi người trên sân khấu và cả những người ngoài sân khấu nữa”.

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ