Những biến chuyển gần đây của đội tuyển Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu về sự “đứt gãy” lực lượng. Thất bại ở nhiều cấp độ và giải đấu không chỉ là “cú vấp”, mà còn là biểu hiện rõ ràng cho một giai đoạn chùng xuống của bóng đá nước nhà.

Các cầu thủ trụ cột của đội tuyển Việt Nam đang dần chạm ngưỡng về chuyên môn, vơi đi khát khao cống hiến. Trong khi đó, lứa cầu thủ trẻ chưa đủ chất lượng và kinh nghiệm, luôn phải chịu áp lực lớn khi được so sánh với thế hệ đàn anh.

Vấn đề không chỉ nằm ở đào tạo trẻ vốn đã gặp khó khăn, mà còn bởi cầu thủ trẻ ít có cơ hội thi đấu và cọ xát thực tế. Các giải trẻ trong nước tổ chức mỗi năm còn quá ít và thiếu các trận đấu quốc tế, khiến cầu thủ khó phát triển kỹ năng toàn diện. Ở cấp CLB, việc thiếu cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ càng làm cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.

Hệ thống giải đấu chuyên nghiệp luôn là nền tảng của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng của V-League, giải hạng Nhất mấy mùa gần đây cứ “tà tà”, không có quá nhiều đột phá. Các giải đấu không giới thiệu được quá nhiều gương mặt mới, nhân tố đặc biệt để đủ sức tạo nên sự ảnh hưởng, tạo niềm tin cho người hâm mộ.

Có thể thấy, thế hệ “Thường Châu” năm 2018 phần nào đó đang đi qua thời đỉnh cao nhất của mình nhưng sau lưng họ là “khoảng trống” chưa được lấp đầy. Đội tuyển Việt Nam từ cuối thời HLV Park Hang Seo đến ông Philippe Troussier và lúc này là HLV Kim Sang Sik gần như vẫn chừng ấy con người. Đội tuyển Việt Nam ở một chu kỳ mới rất cần những đổi mới nhưng việc thiếu đi “chất liệu” đã khiến các HLV có muốn “chế biến” món mới cũng đành chịu.

Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam tại các giải châu lục trong những năm gần đây rất đáng ghi nhận, nhưng vấn đề lớn đặt ra là những cầu thủ này ít được trao cơ hội thi đấu thường xuyên ở V-League hay giải hạng Nhất. Cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ còn phụ thuộc vào triết lý, thành tích của CLB và quan điểm của mỗi HLV.

Mỏi mắt tìm “sao Mai” - Ảnh 1.

Không khó để nhận ra bóng đá trẻ Việt Nam đang xuống dốc. Nguyên nhân được chỉ ra bởi thiếu đầu tư, cũng như thiếu một quy trình đào tạo chuẩn mực. Hãy nhìn vào những lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam như: Hà Nội, Viettel, SLNA, HAGL, Đà Nẵng… gần đây sa sút thế nào? Ngay cả lò đào tạo PVF với cơ sở vật chất hiện đại mà gần 5 năm qua cũng chẳng có một gương mặt nào nổi trội được trình làng.

Chúng ta đã từng tự hào có giai đoạn bóng đá trẻ nước nhà nở rộ những trung tâm đào tạo trẻ nổi danh. Những “cái nôi” đào tạo như thế đã cho ra nhiều “sản phẩm” chất lượng. Hà Nội có Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu; HAGL có lứa khóa 1 và 2 đình đám; Viettel có Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng, hay SLNA có Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh.

Tuy nhiên, vẫn là những trung tâm ấy, vào lúc này lại chưa thể sản sinh lứa cầu thủ giỏi có đẳng cấp tiệm cận đàn anh. Những “sao mai” ở cấp độ U17, U19, U23 hiện tại đều thiếu gương mặt nổi trội.

Ở sân chơi trẻ, U23 Việt Nam chỉ giành tấm HCĐ tại SEA Games 32 sau 2 kỳ liên tục giành vàng. Các lứa trẻ gần đây đều thất bại ở những giải đấu khu vực. Mới nhất, đội tuyển U20 Việt Nam không thể giành vé đến VCK U20 châu Á 2025 như kỳ vọng. Tỷ lệ cầu thủ U23 được đôn lên thi đấu và đặt dấu ấn tại V-League cũng suy giảm nghiêm trọng so với trước đây.

Từ đó sẽ thấy, để sản sinh ra những tài năng hoàn thiện, bóng đá Việt Nam cần chuyên gia kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, đội ngũ y tế, và cả chuyên gia tâm lý hỗ trợ cầu thủ từ nhỏ. Hơn nữa, V-League và giải hạng Nhất cần vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, mang lại giá trị dài lâu.

Xây dựng bóng đá trẻ bền vững, có tính kế thừa và gối đầu, lứa sau phải nổi trội hơn lứa trước là nhiệm vụ tiên quyết để có một nền bóng đá phát triển bền vững. Nếu không phải chuyên môn thì ít nhất lứa trẻ cũng phải tiến bộ hơn về mặt thể hình, thể lực.

Nhưng với những gì mà lứa cầu thủ trẻ thể hiện trong thời gian qua thì rất khó cho U23 Việt Nam hay ĐTQG.

XEM THÔNG TIN BÓNG ĐÁ VIỆT TẠI ĐÂY

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]