Triển lãm

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG Hà Nội) về thế giới hội họa của Hoàng Đỗ Cường:

Chơi, thoạt nhiên tưởng như là một hoạt động giải trí và tiêu khiển thời gian rỗi của đời người, nhưng không phải đơn thuần như vậy. Nói như sử gia và nhà lý thuyết văn hóa người Hà Lan, Johan Huizinga, chơi là một thuộc tính của văn hóa, thậm chí còn có trước cả văn hóa. Chơi hiện diện trong nghệ thuật, còn thời gian rỗi cũng là thời gian sáng tạo, thời gian kiến tạo văn hóa. 

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 1.

Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (1959 – 2023) từng theo học lớp vẽ vỡ lòng của họa sĩ lão thành Phạm Viết Song năm 1976. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau nhiều năm bôn ba làm nghề ở Sài Gòn, đến giai đoạn dân gian đùa vui là “hưu trí”, anh trở về Hà Nội và… chơi toàn thời gian. Vậy chơi của anh là gì? Hội họa.

Chơi và sáng tạo nghệ thuật

Hoàng Đỗ Cường là mẫu nghệ sĩ toàn phần: ăn, ngủ, vẽ (chơi). Nhật trình một ngày của anh có thể được ghi chép như sau: Rời khỏi ngôi nhà gần đê sông Đuống, qua cầu Long Biên (đương nhiên không quên chụp ảnh check-in), ăn quà vặt, lê la café phố cổ, bát phố hoặc đi xem các triển lãm tranh, cùng bằng hữu tề tựu nhậu nhẹt, và cuối cùng về nhà. Thay vì ký họa nghiên cứu, thì Hoàng Đỗ Cường chụp ảnh tất tật, con trâu con bò thơ thẩn trên triền đê, phong cảnh phố xá, món ăn, chân dung bạn bè. Thường là thời điểm vào đêm hoặc sáng sớm hôm sau, tức thì sẽ có thành phẩm là một bức họa tái hiện sự kiện hoặc cảnh tượng của ngày trước đó. Khoảng thời gian phía sau những sinh hoạt xã hội và cộng đồng, hóa ra, là thời gian của sáng tạo, của cô đơn toàn phần (“Cô đơn cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng” – Đặng Đình Hưng, Ô mai).

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 2.

Nhiều triết gia văn minh Hy Lạp cổ đại, điển hình là Aristotle, xem thời gian nhàn rỗi, khi con người tạm rời khỏi mọi áp lực công việc và bổn phận, là thời gian lý tưởng cho sự vun bồi bản ngã qua tự do tinh thần và suy tư chiêm nghiệm. Thời gian rỗi mới làm phát triển mạnh mẽ các nhu cầu tiêu khiển, giải trí, thậm chí thư giãn trí thức và nghệ thuật. Chính cái thời gian nhàn rỗi và chiêm nghiệm hết ngày, ngắt đứt khỏi mọi kết nối xã hội này, mới là thời gian hiệu quả để người họa sĩ tập trung năng lượng và vẽ. Sự vẽ, hay chơi trong cô đơn của Hoàng Đỗ Cường, cũng đồng nghĩa với tự do. Cô đơn toàn phần tương đương tự do tuyệt đối, tự do triệt để, tự do vùng vẫy trong vương quốc tưởng tượng của riêng mình.

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 3.

Một trong những đặc trưng cơ bản của chơi, theo Huizinga, là vốn dĩ bản chất của chơi chính là tự do. Mặt khác, chơi không hề kết nối với bất kỳ mối lợi vật chất nào, và không hề có lợi ích (kinh tế) đến từ việc chơi. Những bức tranh của Hoàng Đỗ Cường, với tinh thần chơi, chủ yếu là dành tặng bạn bè và trưng bày, trưng bày vật lí ở các triển lãm, hoặc đơn giản hơn là “trưng bày” hằng ngày trên mạng xã hội cho mọi người thưởng lãm và bình luận.

Liên quan đến cô đơn, một dạng thức cơ bản của chơi là sự tận hưởng hoàn toàn đơn độc của một người về năng lực bản thân. Năng lực có thể được đo lường bằng các tiêu chí bên trong (vẻ đẹp, sự dễ dàng, suôn sẻ của việc thực hiện), nhưng cũng có thể bằng các tiêu chí bên ngoài: so sánh với sự hồi tưởng về màn trình diễn của chính mình hoặc của người khác. Hoạt động chơi tự thân có ý nghĩa, và khi giá trị nó đủ lớn, thì hoạt động được coi là “nghệ thuật”: nghệ thuật chơi cây cảnh, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật thưởng trà… Một khi đã trở thành bậc thầy của một loại hình nghệ thuật, thì lúc này con người mới trở thành nghệ sĩ và mới có nhu cầu phô diễn năng lực trước công chúng. Các tác phẩm của Hoàng Đỗ Cường, trước khi nó trở thành một nghệ thuật được công bố trước đám đông, thì nó đã sẵn là thành tựu của một tinh thần tự do tuyệt đối, một sự tự thỏa mãn trong sáng tác.

Vẽ như là cuộc chơi

Ấn tượng đầu tiên va đập đối với người đối diện của họa sĩ, ngoài ngoại hình cao lớn lêu nghêu, diện mạo có vẻ “đe dọa” với đầu trọc và chòm râu dài, ít đùa, là sự thâm trầm kiệm lời đến mức câm lặng. Chẳng hay, Hoàng Đỗ Cường còn có biệt danh là “Kường Kâm.” Như để thế chỗ cái sự nói ít, anh vẽ rất nhiều và năng suất. Nếu người khác viết nhật ký mỗi ngày, thì Hoàng Đỗ Cường vẽ thường nhật. Gặp gì vẽ nấy, mỗi ngày một bức, thậm chí ngày nhiều bức. Vẽ trở thành kênh phát ngôn và đối thoại chủ đạo của họa sĩ. Những gì muốn nói, anh “truyền đạt” thông qua tranh.

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 4.

Đặc tính chơi trong tranh của Hoàng Đỗ Cường, trước hết là sự chơi với chất liệu. Họa sĩ vẽ với mọi thứ có ở trong tay. Ngoài những phương tiện truyền thống như sơn dầu, acrylic, bột màu trên toan hoặc giấy, anh còn sử dụng cả mực tàu trên giấy dó, hay trưng dụng những vật liệu tưởng như bất khả dụng như giấy báo, bìa sách cũ, bìa carton, vỏ bao thuốc lá, lon bia để họa.

Dường như Hoàng Đỗ Cường không hề kén chọn đề tài, từ vẽ chân dung tự họa, vẽ bạn bè chiến hữu, vẽ phụ nữ, nhỏ đến vẽ… mâm bát, chai lọ, đèn dầu, điếu cầy, rượu bia thuốc lá. Hay nói đúng hơn, tạo ra một thị kiến khác vượt khỏi cái nhìn thực tại, một phản ánh khi lắng đọng, khi thì chớp nhoáng những đồ vật, con người anh gặp gỡ và tiếp xúc. Ở anh, cũng cho thấy một sự chuyển đổi kỳ lạ – sự chuyển đổi mang tính phá vỡ. Một kiến trúc sư quay trở về hội họa, Hoàng Đỗ Cường không hề mang theo những nguyên lý cân bằng, đối xứng, nhịp điệu, thứ bậc, bố cục nghiêm ngặt của kiến trúc. Anh thủ tiêu tất cả các nguyên lý để quy giản về một lối hội họa biểu hiện phi kiến trúc, phi phối cảnh trên một không gian phẳng hai chiều.

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 5.

Và, cũng vì vậy, tranh của Hoàng Đỗ Cường, dễ mà lại không dễ xem. Các bức tranh theo chủ đề đời thường của anh không đánh đố người xem phải tư duy ý niệm. Nhưng đối với những người xem mang quan niệm duy mỹ cổ điển, lối vẽ tuệch toạc, cẩu thả trở nên khiêu khích, thậm chí nghịch mắt. Tuy nhiên, nếu hiểu đây là sự cẩu thả có chủ ý, tương tự như ở trường hợp Egon Schiele, Maria Lassnig ở Tây, hay Đặng Xuân Hòa và Hoàng Hồng Cẩm ở ta, thì đây là sự vi phạm tạo nên phong cách, vi phạm mang tính nghệ thuật. 

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 6.

Bảng màu của Hoàng Đỗ Cường thu hút người xem bởi sắc độ, hình khối mang hơi hướm hội họa dã thú (Fauvisme). Đó là quy chiếu tối ưu sử dụng những màu phụ đối lập trên bảng màu, để tạo hiệu ứng tương phản và khuếch đại độ sáng biểu kiến của tranh. Chức năng biểu hiện của màu sắc trở nên mang tính thứ nhất. Không gian phối cảnh ba chiều truyền thống bị thay thế bằng không gian xác lập bởi sự chuyển động của màu sắc. Đặc biệt trong những bức tranh vẽ phụ nữ, đường cọ nhanh, đậm và thô dày của họa sĩ kiến tạo một thẩm mỹ đậm chất biểu hiện, thu hút cho đối tượng, cả về sắc thái lẫn đường nét.

Hoàng Đỗ Cường và hội họa nhìn qua lăng kính chơi - Ảnh 7.

Những bức tranh nguệch ngoạc của Hoàng Đỗ Cường có tính “gây sự với đời,” bởi vì thế nên nó là “đời.” Chúng hiển thị một căn cước ngang tàng, khoáng đạt của người nghệ sĩ. Henri Matisse nói “sáng tạo cần bản lĩnh,” nhưng thêm một độ nữa, một bản lĩnh lớn dấn thân “chơi,” lại là lối hay để thử vượt thoát ra khỏi kỳ dư xoàng xĩnh trong đời sống sáng tạo. Kường Kâm không thể “cầm cương” cọ vẽ trong cuộc chơi hội họa.

Một vĩ thanh viết thêm nhân dịp bài viết sẽ một lần nữa được sát cánh cùng họa sĩ Hoàng Đỗ Cường trong một triển lãm đặc biệt – một triển lãm cá nhân được bè bạn tổ chức nhằm tri ân và tưởng nhớ anh vào tháng 9 tới. Và như định ngữ “chơi” từng gán cho họa sĩ, sự ra đi của anh cũng nhẹ nhàng trong một cuộc rong chơi tang bồng như vậy. Dù sự thật có thể tất yếu giai thoại hóa, nhưng thế giới nghệ thuật luôn muốn lẫn thích những câu chuyện truyền kỳ, và đủ để một cá nhân sáng tạo hóa bất hủ. Anh đã tất tay ván chơi lớn nhất, trọn đời mình cùng hội họa, và chơi thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *